Cốn sủi là món ăn độc đáo của người dân tộc ở Sa Pa, tuy chỉ mới xuất hiện vài năm nhưng đã chinh phục được các thực khách khắp bốn phương.
Đến Sa Pa phải thử phở Cốn Sủi
Đây là câu nói của hầu hết du khách từng du lịch tại Sa Pa review lại khi đặt chân đến thị trấn sương mờ này những năm trở lại đây.
Phở cốn sủi nghe tên có vẻ giống sủi cảo nhưng thực chất đây là món ăn khô trong nước xốt (hay còn gọi là phở khan). Những ai lần đầu thưởng thức món ăn đặc biệt này, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên.
Bởi cuốn sủi có sự quen thuộc của món phở Hà Nội khi cùng được làm từ những sợi bánh phở mềm mềm nhưng lại không có nhiều nước như phở.
Cả tô bánh được rưới lên thứ nước sốt đặc sệt như bánh canh Huế, Sài Gòn chỉ đủ để làm ướt bánh phở trắng tinh, sợi to đặt dưới đáy bát.
Trên lớp phở, đầu bếp rắc lên chút mỳ bằng củ rong hoặc khoai lang rang giòn cùng nhiều gia vị, thịt bò được nấu sền sệt kì công.
Tiếp theo đó là chút thịt lợn thái sợi, miếng trứng luộc cắt làm tư và một chút bột tiêu nhỏ mịn, hạt đậu phộng dã nhuyễn được đặt lên trên cùng.
Chị Đào Mỹ Linh (du khách từ Hà Nội đi Sa Pa) chia sẻ, đến Sa Pa phải thử vị phở Cốn Sủi, đặc biệt là Cốn Sủi ông Há ở 436 đường Điện Biên Phủ bởi sự đậm đà, ngây ngất của thứ nước sốt đặc sệt rưới lên bánh. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hương vị của món cuốn sủi Sa Pa.
Theo đầu bếp tại đây chia sẻ, nước sốt cốn sủi phải được làm từ xương ống lợn ninh nhừ khoảng năm tiếng, kèm theo một số gia vị thơm đậm mùi hương của quế, của thảo quả, của núi rừng Tây Bắc.
Bát cốn sủi ngon khi nước sốt ngọt vừa đủ, không đượm quá và cũng không quá nhạt, khiến cho bát phở vừa thơm lại vừa ấm nóng và đậm đà lạ miệng.
Khi ăn, tuỳ sở thích từng người có thể cho thêm rau thơm, vài lát ớt, tương ớt… rồi cứ thế đảo đều lên là ăn được. Ngoài ra, món ăn này còn được ăn kèm với dưa cải muối thái nhỏ trộn chua ngọt để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.
“Xuất phát từ thương hiệu gốc Hoa đã thành danh ở thành phố Lào Cai, quán ông Há cơ sở Sa Pa tại 436 đường Điện Biên Phủ cũng nổi tiếng không khác gì quán gốc, với giá 50.000 đồng/bát, không thay đổi kể cả trong dịp Tết, lễ”, một người dân tại Sa Pa bật mí thêm.
Tại đây, ngoài cốn sủi còn có cả mì vằn thắn và sủi cảo vừa ngọt thịt, vừa ngọt rau, thanh mát và mang đến cảm giác dễ chịu, ấm áp trong những ngày đông sương mù giăng kín.
Theo Báo Giao Thông